News & Announcements
  • MaiKhongQuen-A2Forum
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù lượt xemPhân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù - 11153 Xem
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù lượt xemPhân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù - 10105 Xem
Phân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù lượt xemPhân tích nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù - 10059 Xem
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù lượt xemPhân tích nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù - 10028 Xem
Hai đứa trẻ - Thạch Lam lượt xemHai đứa trẻ - Thạch Lam - 7594 Xem
Ký tự 12 cung hoàng đạo lượt xemKý tự 12 cung hoàng đạo - 2792 Xem
Một số bài tập hóa vô cơ vận dụng công thức giải nhanh lượt xemMột số bài tập hóa vô cơ vận dụng công thức giải nhanh - 1983 Xem
Sò huyết xào tỏi lượt xemSò huyết xào tỏi - 1392 Xem
Những đứa con trong gia đình lượt xemNhững đứa con trong gia đình - 1240 Xem
7 lợi ích của việc khóc lượt xem7 lợi ích của việc khóc - 1233 Xem

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Gấu Vô Cảm

Gấu Vô Cảm

Admin
“Vang bóng một thời” thực chất là sự nổi loạn của cái tôi tài hoa, khinh bạc chống lại xã hội phàm tục. Qua đó, Nguyễn Tuân đã thể hiện một khía cạnh của văn hóa cổ truyền dân tộc, về những con người tài hoa, nghệ sĩ, đôi chỗ còn thấp thoáng những nhân cách lớn, những khí phách ngang tang như Huấn Cao trong “Chữ người tử tù. Đây, có thể nói, là nhân vật hư cấu tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân trong cái dư âm vòn vang vọng lại của thời phong kiến đã qua. Qua nhân vật này, ông thể hiện gần như trọn vẹn cái tôi của mình. Một anh hùng sa cơ lỡ vận mà hiên ngang, bất khuất, có tài, có tâm, mến mộ nghĩa khí. Cho nên mới nói nhân vật Huấn Cao được xây dựng rất thành công, rất đẹp, rất đặc sắc.
Là một nhà văn học theo “chủ nghĩa xê dịch”, ông coi “đi” là hình thức tốt đẹp nhất của sự thoát li, thoát li khỏi cái gò bó của cuộc sống hàng ngày, đi để “luôn luôn thay đổi thực đơn cho giác quan”, vậy nên những tác phẩm của ông thường mang những tính cách độc đáo, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, những phong cảnh tuyệt mĩ. Những điều đó đều được kết hợp hài hòa trong truyện ngắn của ông, mà tiêu biểu là tập “Vang bóng một thời”. Được ví như “tờ hoa” của thời đại, những truyện ngắn trong đó mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã, những cách ứng xử giữa người với người đầy lễ nghi nhịp nhàng. Phải nói bút pháp của Nguyễn Tuân đã đạt đến trình độ điêu luyện mới có khả năng truyền tải cho độc giả những thuần phong mĩ tục không mấy gần gũi một cách sinh động, hài hòa nhất.
Huấn Cao, một nhân vật “văn kì thanh bất kiến kì hình”, xuất hiện trong tác phẩm lần đầu tiên qua cuộc đối thoại giữa Viên Quản Ngục và thầy thơ lại: “Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp phải không?”, đúng vậy “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”. Hay: “ngoài cái tài biết chữ tốt, lại cò có tài bẻ khóa và vượt ngục”, chính điều này cũng làm Viên Quản Ngục e ngại không ít: “Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm giữ nỗi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không?”. Chỉ mấy câu nói, chân dung sơ bộ của Huấn Cao đã tạo một ấn tượng nơi người đọc, một con người văn võ toàn tài, một vị anh hùng kết tinh, một đại diện cho cái đẹp. Lúc này đây, từ vài đường họa của Nguyễn Tuân, người đọc đã mường tượng trong đầu một con người hội tụ cả ba phẩm chất nhân, dũng, trí. Song vì sa cơ lỡ vận nên trở thành một tử tù. Dù vậy, nhân cách của ông vẫn không thể nhầm lẫn, đến thầy thơ lại phải thốt lên: “Tôi thấy những người có tài thế mà đi làm giặc thì đáng buồn lắm. Phải chém những người như vậy, tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”. Không ai đi khóc người dưng nhưng phải công nhận rằng chính cốt cách ngạo nghễ phi thường và tấm lòng trong sáng biết quý trọng cái đẹp của Huấn Cao đã động được đến tâm của người khác.
Và rồi, Huấn Cao xuất hiện trước cửa đề lao, một tên tù án chém chuẩn bị thụ hình, vậy mà cứ hiên ngang, không chút mảy may run sợ. Hành động dỗ gông đã cho ta thấy được sức mạnh phi thường và ý chí bất khuất của ông: “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tản đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau, làm họ nhăn mặt”. Một mình ông mà có thể kéo cả năm người thì quả là sức mạnh ít ai sánh bằng. Huấn Cao là một nhà nho, thì đáng lẽ phải thể hiện lòng trung quân một cách mù quáng, một lòng một dạ theo triều đình. Nhưng không, Huấn Cao nào chịu vào luồn ra cúi, không chịu sống trong cảnh nhung hoa áo gấm, thà làm giặc triều đình sống theo chính nghĩa mà mình vạch ra. Chí lớn không thành, thân mang tù tội nhưng cảnh đề lao không làm khuất lấp ngạo khí của Huấn Cao, mà qua đó nó còn góp phần làm nổi bậc uy phong, khí thế của ông.
Tác giả miêu tả sâu sắc trạng thái tâm lí của Huấn Cao trong những ngày chờ lãnh án. Một tù nhân án chém kề cận mà vẫn khinh bạc đến điều, không màn bận tâm đến những lời dọa nạt, khinh bỉ của bọn lính tốt. Ngay cả với gông xiềng, với cái chết mà thái độ ông vẫn lạnh lùng, dửng dưng thì thật sự là một người anh dũng. “Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”, thái độ thản nhiên như không của Huấn Cao càng khiến người đọc nể phục. Tuy bị giam cầm về thể xác nhưng ông Huấn vẫn tự do về tinh thần, “thân thể ở trong lao, tinh thần ỏ ngoài lao”. Ông điềm tĩnh nhận sự biệt đãi của Quản Ngục như một lẽ thường tình, tự cho mình cái quyền hưởng thụ đó vì đến trên đầu ông còn chẳng biết có ai thì việc gì phải bận tâm đến chút nhục tửu nhỏ nhoi này.
Đáp lại sự biệt đãi thân tình của Viên Quản Ngục vẫn là thái độ lạnh nhạt, thản nhiên, kín đáo bất cần lòng thương hại. Nhưng thái độ đó lại làm ngục quan thêm vài phần kính trọng, đến mức khép nép, khúm núm khi vào buồng giam hỏi sở nguyện của ông Huấn. Song ông chỉ nhận được một câu “bất cận nhân tình” của Huấn Cao: “Ngươi bảo ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Đấy có lẽ là câu nói thị uy nhất mà Huấn Cao đã nói. Ông làm ra khinh bạc đến điều, chờ đợi “những trò tiểu nhân thị oai”. Sự khinh bỉ, mỉa mai không giấu diếm như thể ông muốn đạp lên trên mọi bất công, mọi cái xấu xa đê tiện; đồng thời ném vào mặt xã hội bất lương, lừa dối ấy sự thách thức của mình. Có thể nói ở đoạn này, tính cách quật cường, ngang tàng của Huấn Cao được khắc họa rõ ràng nhất.
Nói thì nói thế nhưng “ngoài việc nghĩ đến chí lớn không thành, ông Huấn Cao còn phải bận tâm nghĩ đến sự tươm tất của quản ngục” khi không chỉ ông mà cả năm người bạn của ông cũng được biệt đãi như thế. Cũng khó thể trách, vì vốn là con người “chọc trời quấy nước”, trải qua bao nhiêu gian truân, Huấn Cao cũng có chút đa nghi khi giữa chốn xô bồ, nhơ nhuốc như lao tù này, lại có một người như Viên Quản Ngục. Biết đâu là sự tính toán, lòng người khó dò. Tuy nhiên, chi tiết này đã cho thấy ở Huấn Cao đã có sự dao động. Ở một góc nào đó trong lòng, ông đã dần thay đổi cách nhìn đối với Viên Quản Ngục hay rộng hơn là đối với thế giới đầy dối lừa này.
Dù là một người khó tính – “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”, nhưng Huấn Cao tuyệt đối không cố chấp. Nhưng Huấn Cao lại có một quan điểm vô cùng rõ ràng về việc cho chữ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Qua đó, ta cảm nhận sâu sắc rằng Huấn Cao là một bậc hào kiệt. Quyền thế, vàng ngọc không thể lay chuyển ông nhưng tấm lòng của quản ngục thì được. Lúc này, không còn cái gọi là hai con người ở hai chiến tuyến mà chỉ là hai tâm hồn đồng điều. Giờ đây cái dao động của ông đã hiện thực hóa, ông thực sự coi quản ngục là tri kỉ tâm giao. Con người ông chính trực là thế, khẳng khái là thế. Phải chăng cái chí tung hoành của một đời người đã hun đúc ông thành một con người hào sảng, nghĩa khí, thấu tình đạt lí.
Với quan điểm đó, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Khi ông nhận ra tấm lòng cùng sở thích cao quý của quản ngục, ông không còn thái độ thù địch mà còn ân hận vì mình đã “xuýt chút nữa phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Là một trượng phụ đội trời đạp đất, có lẽ với Huấn Cao việc đáng hổ thẹn nhất là phụ lòng người. Ông cho rằng đó là là một việc không thể chấp nhận, không thể tha thứ. Điều này chứng minh rằng Huấn Cao không chỉ văn võ song toàn mà còn là tài tâm vẹn toàn. Ở ông, ta thấy được sự hòa quyện diệu kì của khối óc và trái tim. Điều đó không phải là dâng nộp cái tài của một tên tử tù cho Viên Quản Ngục đang coi giữ mình mà là sự cảm kích trân trọng của người nghệ sĩ đối với kẻ liên tài, là sự đáp lại của một tấm lòng với một tấm lòng.
Trong cảnh buồng giam tối tăm chật hẹp, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có diễn ra: “Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”. Với tư thế ung dung, tự tại ấy Huấn Cao đang dồn hết tinh hoa vào từng nét chữ. Đó là dòng chữ cuối cùng của con người tài hoa ấy. Những nét chữ chan chứa tấm lòng của Huấn Cao và thấm đẫm nước mắt của người đọc. Khác với chân dung đầy khí phách lúc đầu, giờ đây một Huấn Cao vẫn bệ vệ, oai phong hiện lên trong tâm trí người đọc nhưng lại lẫn chút bi thương. Một đời tài hoa, lỗi lạc nay lại trong chốn tù ngục mà để lại những nét chữ cuối cùng. Quả là có chút chạnh lòng.
Mặc dù thế, Huấn Cao vẫn thành tâm khuyên nhũ quản ngục: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Một lời khuyên có chút khiếm nhã nhưng Huấn Cao lại không câu nệ tiểu tiết mà nói ra, xem chừng ông rất coi trọng Viên Quản Ngục. Chỉ có những người bạn thâm giao mới nói những lời từ tận đáy lòng như thế. Hẳn là sự cảm phục nhân cách cao thượng của quản ngục nên Huấn Cao mới không muốn để cho “người có tâm điền tốt và thẳng thắn lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”. Một phần ông cũng không muốn cái đẹp tồn tại lẫn vào trong cái tạp nham, dơ bẩn của chốn thị phi nên mới khuyên quản ngục tìm về nới làng quê mà ở, tâm tịnh thì mới có thể thưởng thức cái đẹp.
Bằng nghệ thuật dựng cảnh ấn tượng, tình huống truyện độc đáo, Nguyễn Tuân đã tạo nên một không gian cổ kính, lung linh trên từng trang giấy, khiến người đọc ngỡ như chính mình bước vào không gian đó cũng như thế giới nội tâm nhân vật. Huấn Cao được ông xây dựng với sức hấp dẫn người đọc ngay từ đầu, và cứ thế, cuốn hút suốt chiều dài thiên truyện. Đó là sức mạnh nghệ thuật ở một nhân vật có lý tưởng. Cùng với thủ pháp đối lập độc đáo, tác giả đã dựng nên một khung cảnh sống động, chân thực khi sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình. Khả năng hư cấu tài hoa, uyên bác của ông làm người đọc bị cuốn hút vào tác phẩm một cách triệt để nhất.
Qua tác phẩm, Nguyễn Tuân đã truyền tải đến người đọc một quan điểm nghệ thuật hết sức rõ nét: nghệ thuật phải hướng đến cái đẹp mà cái đẹp phải xuất phát từ cái thiện. Đối với ông nghệ thuật chân chính là: chân – thiện – mĩ. Chân là chân thực, cái chân thực đó có lúc lại khiến người khác choáng ngợp, chẳng hạn như một người như quản ngục lại có phẩm chất và sở thích vô cùng thanh cao giữa nơi xô bồ, hỗn loạn như đề lao. Thiện là là lương thiện, văn chương chính là hướng đến cái thiện, có thiên lương thì người ta mới có thể cảm thụ cái hay, cái đẹp. Cuối cùng là mỹ - đẹp, cái đẹp ở đây không nhất thiết lúc nào cũng bóng bẩy, hào hoa như cách Nguyễn Du vẽ Thúy Kiều; đôi lúc những đường nét thô kệch của Thị Nở cũng là một cái đẹp theo cách vẽ gồ ghề của Nam Cao. Và Nguyễn Tuân cho rằng chỉ có sự kết hợp của cả ba yếu tố trên mới thực sự là nghệ thuật, đó là một quan điểm được đánh giá cao.
Trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, Huấn Cao đã mang đến chốn lao tù, cho cái địa ngục sống này một ánh sáng huyền diệu, lung linh, chói lọi, soi sáng đạo lí làm người. Thiên lương cao đẹp của ông là một vầng hào quang tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời đầy u ám của ngục tù. Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao – một con người tài hoa, có tài tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước. Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo, trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng, trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

Vinh

https://tvcgroups.forumvi.com

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết